Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Để đảm bảo hơn 62 triệu người dân nông thôn có quyền tiếp cận các dịch vụ cấp nước và vệ sinh được quản lý an toàn, Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 với Tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phát động vào ngày 22 tháng 12 tại Hà Nội.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc cải thiện tỷ lệ tiếp cận nước và vệ sinh, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, chỉ có 51% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước QCVN 01: 2009/BYT của Bộ Y tế và 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cuộc điều tra năm 2020 đo lường các chỉ số Mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ của UNICEF, cho thấy những lỗ hổng đáng kể trong quản lý nước và vệ sinh an toàn, đặc biệt là về chất lượng nước uống. 44% thành viên hộ gia đình có nguồn nước được kiểm tra bị nhiễm khuẩn E.coli. Số liệu này đã dấy lên lo ngại về vấn đề  quản lý vệ sinh an toàn nói chung, vốn là một trong những thách thức còn tồn tại ở Việt Nam. Tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém là một trong những yếu tố chính dẫn đến thực trạng là 1/5 trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị chậm lớn, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em dân tộc là gần gấp đôi (32%).

Để giảm thiểu tác động của nguồn nước và vệ sinh không đảm bảo an toàn trong cộng đồng dân cư ở nông thôn, Chiến lược quốc gia đã đặt ra các mục tiêu mới đến năm 2045: 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh một cách an toàn, bền vững; 50% khu dân cư nông thôn có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% số hộ, trang trại chăn nuôi được xử lý chất thải chăn nuôi.

Chiến lược Quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng để Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030 và các mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn vào năm 2045. Nước sạch, vệ sinh và vệ sinh cá nhân (WASH) là những yếu tố cốt lõi của chương trình phát triển con người – thúc đẩy năng suất và tăng trưởng bền vững cho cả hiện tại và tương lai của một quốc gia. Đảm bảo rằng mọi trẻ em có được đầy đủ tiềm năng phát triển để trở thành những người trưởng thành khỏe mạnh là vô cùng cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu tác động của dân số già trong tương lai.

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2021 – Hội nghị công bố Chiến lược Quốc gia

Hội nghị công bố do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và bà Rana Flowers – Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đồng chủ trì. Có 60 người tham gia trực tiếp tại Hà Nội và hơn 120 người tham gia trực tuyến, bao gồm đại diện của các bộ quản lý ngành, cơ quan phát triển, tổ chức, khu vực tư nhân và 59 tỉnh thành.

“Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là một công cụ chính sách quan trọng giúp định hướng hành động để cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh, quan trọng là đảm bảo trong suốt quá trình đó, cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam sẽ được cải thiện”. Bà Rana Flowers, Điều phối viên Thường trú LHQ ai và Đại diện UNICEF tại Việt Nam. “Tại buổi khởi động quan trọng này, tôi muốn đề xuất 3 thành phần trọng tâm để thực hiện Chiến lược. Đầu tiên, các khoản đầu tư đủ và thông minh cần được phân bổ để tối ưu hóa và cải thiện việc tiếp cận tất cả những người dân có nhu cầu. Thứ hai, cam kết vững chắc và chỉ đạo chính trị mạnh mẽ để không ai bị bỏ lại phía sau. Thứ ba, áp dụng nhiều phương pháp tiếp cận và sự tham gia của các ngành là rất quan trọng để nước sạch và vệ sinh được lồng ghép hợp lý trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia và cấp tỉnh cũng như các kế hoạch phát triển của các ngành khác nhau ”.

Buổi lễ có sự tham gia của đại diện từ các tổ chức quốc tế
UNICEF Viet Nam

Đại diện các tổ chức quốc tế (Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Unilever Việt Nam, Tổ chức Đông Tây Hội ngộ, v.v.) cam kết đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện hiệu quả chiến lược nhằm tiếp cận những cộng đồng khó khăn, giảm thiểu tác động của đại dịch và xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu.

Sau khi nghe đại diện các đối tác quốc tế, lãnh đạo tỉnh, bộ ngành Trung ương và Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận “Để thực hiện Chiến lược, chúng ta cần thực hiện các nhóm giải pháp quan trọng. Trước tiên, cần thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương cũng như cán bộ chính quyền các cấp về cải thiện nước sạch vệ sinh nhằm thay đổi cuộc sống. Thứ hai, các cơ quan chính phủ và chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện thể chế, rà soát các văn bản pháp luật và chính sách để tạo điều kiện xã hội hóa, huy động tư nhân trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh. Thứ ba, cần tìm ra các mô hình quản lý hiệu quả để cung cấp các dịch vụ cấp nước và vệ sinh ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, và các khu vực khó khăn. Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế, đặc biệt là chuyển giao các công nghệ tiên tiến như các giải pháp thích ứng với thay đổi khí hậu ”.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu
UNICEF Viet Nam
Nguồn: UNICEF Việt Nam

0972425722